Lựa chọn và bảo quản rau quả ăn dặm đúng cách không chỉ bảo vệ sức khỏe và hệ tiêu hóa cho bé yêu mà còn giúp mẹ tiết kiệm thời gian chuẩn bị nguyên liệu.
Các loại rau, củ là một trong những thực phẩm không thể thiếu trong thực đơn ăn dặm của trẻ. Chất xơ giúp trẻ hạn chế táo bón, ngăn ngừa và điều trị hiệu quả các chứng bệnh tiêu chảy, đầy bụng, khó tiêu.
Thực phẩm giàu chất xơ còn có khả năng giữ và thanh lọc thức ăn trong hệ tiêu hóa, tách lấy năng lượng và dinh dưỡng, đẩy các chất thải còn lại ra bên ngoài.
Tuy nhiên để lựa chọn rau củ an toàn và bảo quản rau củ tươi lâu, tạo điều kiện cho bé được hấp thu tối đa dinh dưỡng từ rau củ, mẹ cần biết một số “bí quyết” sau.
Nội dung bài viết
Cách lựa chọn rau quả ăn dặm an toàn
Nhìn chung, vẻ bề ngoài của rau “sạch” thường không bóng bẩy láng mướt như loại vẫn được phun thuốc kích thích. Khi chọn rau, các mẹ cần chú ý rằng rau an toàn thường có lá và thân hơi cứng, bề mặt lá không tươi xanh mơn mởn.
Với củ, củ quả sạch thường không được ngâm thuốc để bảo quản trong thời gian dài nên phần cuống vẫn còn tươi, trong khi những loại được ngâm thuốc có thể quả vẫn đẹp nhưng phần cuống không còn hoặc đã héo.
Ngoài ra, không nên mua rau quả trái mùa vì cây trái mùa năng suất thấp, dễ sâu bệnh, khiến người trồng sử dụng thuốc kích thích và trừ sâu với hàm lượng lớn hơn. Nếu ăn thường xuyên, sức khỏe của bé và gia đình ít nhiều bị ảnh hưởng.
Cách bảo quản rau quả ăn dặm tươi lâu
Không để rau quả cạnh bếp ga
Khí ga có tác dụng kích thích rau quả nhanh chín và vì thế cũng nhanh hỏng. Nếu mẹ chưa muốn dùng ngay những món rau quả mới mua về, hãy để chúng cách xa bếp ga.
Rửa rau quả với giấm trắng
Rửa các loại rau quả với công thức nước rửa là 10 phấn nước và 1 phần dấm trắng. Cách này không chỉ giúp loại bỏ bụi bẩn cũng như thuốc trừ sâu trên vỏ rau quả mà còn giúp chúng lâu bị hư hỏng, thối rữa.
Phân loại rau, củ
Những nhóm rau củ khác nhau cần có những cách bảo quản riêng, do nhu cầu về điều kiện nhiệt độ và độ ẩm khác nhau. Không phải tất cả các loại rau đều nên bảo quản trong tủ lạnh.
Chẳng hạn, khoai tây chỉ nên đựng trong túi giấy khô màu tối, để ở nơi thoáng mát. Cà chua không nên để trong tủ lạnh vì nhiệt độ thấp sẽ làm chúng sẽ mất mùi và mất luôn chất dinh dưỡng rất nhanh.
Loại bỏ những phần bị sâu, tránh rửa rau
Để bảo quản rau củ tươi lâu trong tủ lạnh, trước khi cho vào mẹ hãy cắt bỏ những chỗ bị sâu, úa để tránh lan sang những chỗ khác.
Với những phần rau tươi xanh, mẹ không nên rửa nước hoặc ngắt bỏ cuống bởi rau củ đã chẻ, cắt, nhặt… bị hỏng nhanh hơn so với rau, củ được giữ nguyên dạng.
Bên cạnh đó, một số loại rau như rau muống, rau ngót, rau dền, rau mồng tơi,… không nên rửa trước khi cho vào tủ lạnh bởi các loại lá này đều được bao bọc bên ngoài bởi một lớp bảo vệ tự nhiên. Việc rửa rau đã vô tình loại bỏ lớp bảo vệ khiến rau chóng hỏng hơn.
Trước khi cho vào tủ lạnh, mẹ có thể cuộn nhẹ rau vào 1, 2 lớp giấy hoặc vải sạch. Khi dùng, mẹ chỉ cần lấy ra rửa sạch và chế biến bình thường. Với cách làm này, mẹ có thể giữ rau được 3-4 ngày.
Cách bảo quản một số loại rau quả ăn dặm
Nấm
Nguyên tắc bảo quản nấm là không được để dinh nước. Nước sẽ làm nấm thối, hỏng cực nhanh. Để nấm trong túi giấy sẫm màu trong tủ lạnh hoặc nơi mát mẻ, khô thoáng. Tránh dùng đồ nhựa hoặc thủy tinh để đựng nấm vì những đồ này dễ bị đọng nước trong tủ lạnh.
Bơ
Khi quả bơ đã được cắt ra, tốt nhất là nên ăn hết cả quả càng sớm càng tốt. Nếu mẹ vẫn muốn giữ lại một nửa, hãy giữ lại cả hạt bơ.
Vắt một ít nước chanh lên bề mặt thịt bơ bị cắt để tránh cho màu bơ chuyển sang nâu, dùng giấy bọc đồ tủ lạnh để gói lại và bảo quản trong tủ lạnh. Cách này sẽ giúp bơ tươi ngon và không bị thâm.
Bơ thường chín tự nhiên ở nhiệt độ trong phòng. Mẹ không nên để bơ trong tủ lạnh, trừ khi đó là bơ đã chín và bơ xanh cũng chỉ để được lâu nhất là một tuần.
Để bơ nhanh chín, hãy đặt bơ trong bát, bên cạnh một quả chuối chín. Chuối tiết ra chất khí ethylene thúc đẩy quá trình chín của bơ.
Ngoài ra, đặt bơ trong một chiếc túi sẫm màu buộc kín (bỏ thêm một quả chuối chín vào túi càng tốt) hoặc gói bơ trong giấy báo từ 1-2 ngày là bơ cũng sẽ chín.
Chuối
Chuối tiết ra chất khí ethylene giúp chúng có thể chín một cách tự nhiên và đa phần khí này thoát ra từ cuống của quả chuối.
Vì thế, để chuối lâu hỏng, hãy cắt từng quả chuối ra khỏi nải (để tránh việc lượng khi ethylene tập trung quá nhiều, kích thích chuối nhanh chín nhanh nẫu) và bịt kín cuống quả chuối bằng giấy bạc hoặc giấy bóng (có thể dùng giấy chuyên bọc đồ tủ lạnh).
Dưa chuột
Gói từng quả dưa chuột trong giấy ăn/giấy báo rồi đặt tất cả chỗ dưa chuột đó vào túi nilon, để tủ lạnh. Cách này sẽ giúp dưa chuột tươi ngon, không héo không nhũn trong cả 1 tuần lễ.
Biên soạn: Cate Leya