Biên soạn: Cate Leya
Khi trẻ sốt cao 40 độ C trở lên thường xuất hiện cơn co giật và cơn co giật này mất đi khi hạ thân nhiệt xuống dưới 40 độ. Do vậy các bà mẹ cần nhanh chóng hạ sốt khi trẻ bị sốt cao. Cần cởi bỏ bớt quần áo cho trẻ, dùng thuốc hạ sốt, lau mát, cho trẻ bú hoặc uống nhiều nước và đưa trẻ đến cơ sở y tế.
Nội dung bài viết
Mức độ thân nhiệt của bé khi bị sốt
+ Nhiệt độ 37,5 – 38,5 độ C là sốt nhẹ.
+ Nhiệt độ 38,5 – 39 độ C là sốt vừa.
+ Khi nhiệt độ 39 – 40 độ C là sốt cao.
+ Nhiệt độ bé từ 40 độ C trở lên là sốt rất cao.
Với mức sốt vừa 38 – 38,5 độ C thì cơ trẻ có thể chịu đựng được, nhưng với mức sốt cao 39-40 độ C trở lên trong thời gian dài có thể làm trẻ bị co giật, gây thiếu oxy não. Nhiều trẻ có hệ thần kinh rất nhạy cảm, chỉ cần sốt trên 38 độ C là đã bị co giật. Trẻ bị sốt cao co giật thường rơi vào lứa tuổi 6 tháng đến 5 năm.
Nên làm gì khi bé sốt cao từ 40 độ C
Lau mát, hạ sốt cho bé khi
– Bé bị sốt cao trên 40 độ C.
– Bé bị sốt cao kèm co giật hoặc có dấu hiệu sắp sửa co giật.
Chuẩn bị dụng cụ:
– 5 khăn nhỏ để lau mát.
– Thau nước ấm.
– Nhiệt kế.
Cách thực hiện:
– Đặt bé nằm ngửa trên giường.
– Cởi bỏ quần áo trẻ.
– Lấy nhiệt độ bé.
– Rửa tay.
– Chuẩn bị nước lau mát:
+ Cho ít nước lạnh vào trong thau.
+ Cho nước nóng vào, bằng ½ lượng nước lạnh.
+ Kiểm tra nhiệt độ nước bằng cách nhúng khuỷu tay vào thau nước, cảm giác ấm giống như nước tắm em bé.
– Lau mát.
+ Nhúng 5 khăn vào thau nước và vắt hơi ráo.
+ Đặt 2 khăn ở hõm nách, 2 khăn ở bẹn và 1 khăn lau khắp người.
+ Không đắp lên trán vì ít có tác dụng hạ sốt. Không đắp lên ngực vì tăng nguy cơ viêm phổi.
+ Thay khăn mỗi 2-3 phút.
+ Theo dõi nhiệt độ nước, cho thêm nước nóng nếu thấy nước không còn ấm.
+ Lấy nhiệt độ bé mỗi 15 phút, ngưng lau mát khi nhiệt độ dưới 38,5 độ C.
+ Lau khô và mặc quần áo mỏng cho trẻ.
Những điều không nên làm khi bé bị sốt
– Không nên ủ ấm, mặc nhiều lớp quần áo cho trẻ khi đang sốt.
– Không nên nặn chanh vào miệng và mắt trẻ.
– Không nên dùng nước đá lạnh để lau mát hạ sốt cho trẻ.
– Không giật tóc, vỗ vào người trẻ khi trẻ đang bị co giật, càng khiến trẻ bị kích thích, co giật nhiều hơn.
Xử trí đúng cách trẻ bị sốt cao gây co giật
Co giật do sốt cao là một rối loạn co giật thường gặp nhất ở trẻ, lứa tuổi từ 6 tháng đến 5 tuổi, đặc biệt hay gặp ở trẻ từ 6 đến 36 tháng tuổi.
Nguyên nhân thường gặp nhất là do trẻ bị viêm nhiễm đường hô hấp trên. Đây là một loại co giật lành tính và hầu hết không để lại hậu quả gì nghiêm trọng. Tuy nhiên, về lý thuyết 4 hậu quả có hại có thể xảy ra sau co giật do sốt cao đơn thuần là: giảm chỉ số IQ, tăng nguy cơ bị động kinh, nguy cơ tái phát co giật do sốt cao và tử vong.
Khi trẻ bị co giật tại nhà, các bậc phụ huynh nên bình tĩnh thực hiện tuần tự những điều sau đây:
– Đặt trẻ nằm nghiêng sang phải để đờm nhớt dễ chảy ra ngoài, không gây tắc đường thở khi bé đang co giật.
– Dùng vật mềm đặt giữa 2 hàm răng để trẻ khỏi cắn phải lưỡi.
– Cởi bỏ bớt quần áo trẻ khi trẻ đang sốt, dùng khăn nhúng nước ấm đắp lên vùng nách và bẹn nhiều lần để hạ nhiệt, đặt thuốc hạ sốt đường hậu môn nếu có thể.
– Khẩn trương đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất.
– Những điều không được làm khi trẻ bị sốt cao co giật tại nhà:
– Không được ngăn cơn giật của trẻ bằng cách hạn chế cử động của trẻ như bế, ôm, ghì chặt trẻ vào lòng.
– Không dùng vật cứng để ngáng miệng trẻ (sợ trẻ sẽ cắn vào lưỡi), nhưng thực tế trẻ rất ít khi cắn vào lưỡi trong cơn co giật.
– Không nặn, vắt chanh hoặc cho bất kỳ thứ gì vào miệng trẻ (kể cả thuốc hạ nhiệt) khi trẻ đang trong cơn giật vì có thể gây tắc nghẽn đường thở nguy hiểm đến tính mạng trẻ.
– Không quấn trẻ quá kín, không ủ ấm, mặc thêm quần áo cho trẻ.
– Không lau mát bằng nước đá hoặc bằng rượu vì có thể gây ngộ độc.
– Tránh những quan niệm sai lầm như khi trẻ đang co giật thì cha mẹ bỏ đi nơi khác hoặc không được nhìn trẻ mà để một người khác canh chừng trẻ.