Biên soạn: Cate Leya
Mặc dù sữa mẹ là công thức dinh dưỡng hoàn hảo nhất cho trẻ 6 tháng đầu đời của trẻ, hiện ở Việt Nam chỉ có 19,6% phụ nữ cho con bú hoàn toàn trong giai đoạn quan trọng này. Tỉ lệ nuôi con bằng sữa mẹ ở Việt Nam thấp hơn rất nhiều so với tỉ lệ trung bình của thế giới – 35%.
Alive & Thrive là một sáng kiến 5 năm do quỹ Bill & Melinda Gates hỗ trợ nhằm cải thiện thực hành nuôi dưỡng trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Tại Việt Nam, trong khuôn khổ hợp tác chung giữa Bộ Y Tế, Viện Dinh Dưỡng, Liên Hợp Quốc và Dự án Alive & Thrive nhằm tăng cường truyền tải thông điệp tới các bà mẹ, cộng đồng, các gia đình, nhân viên y tế và các nhà hoạt định chính về việc nuôi con bằng sữa mẹ và ăn bổ để ra các quyết định đúng đắn về thực hành nuôi dưỡng trẻ nhỏ trong vòng hai năm đầu đời của trẻ.
Mặc dù sữa mẹ là công thức dinh dưỡng hoàn hảo nhất cho trẻ 6 tháng đầu đời của trẻ, hiện ở Việt Nam chỉ có 19,6% phụ nữ cho con bú hoàn toàn trong giai đoạn quan trọng này. Tỉ lệ này thấp hơn rất nhiều so với tỉ lệ trung bình của thế giới – 35% các bà mẹ cho con bú hoàn toàn trong 6 tháng đầu.
Không cho con bú sớm, không cho con bú hoàn toàn và không tiếp tục cho con bú lâu dài cũng như thiếu chế độ ăn bổ sung phù hợp đã dẫn tới những hậu quả nghiêm trọng về sức khỏe của trẻ. Một phần ba trẻ em Việt Nam dưới 5 tuổi bị thấp còi và cứ trong 5 trẻ lại có 1 trẻ bị thiếu cân.
“Cho con bú là một trong những sự đầu tư quan trọng nhất mà cha mẹ có thể dành cho con trong suốt hai năm đầu đời của trẻ hơn bất cứ loại vắc xin hay công nghệ và sự can thiệp y tế tiên tiến nào. Do vậy chúng ta cần đảm bảo rằng mọi trẻ em sinh ra ở Việt Nam đều có được sự khởi đầu cuộc sống một cách tốt nhất có thể , và khởi đầu đó chính là bú sữa mẹ” Bà Nemat Hajeebhoy, Giám đốc quốc gia sáng kiến Alive and Thrive chia sẻ.
“Nuôi con bằng sữa mẹ cũng giúp ngăn ngừa nhiều bệnh tật ở trẻ thơ cũng như ở giai đoạn trưởng thành như viêm nhiễm, dị ứng cho tới các bệnh mãn tính như tăng huyết áp, tiểu đường, béo phì, các bệnh tim mạch và ung thư”.
Theo Tiến sĩ Lê Thị Hợp, viện trưởng Viện Dinh dưỡng cho biết: “Bằng việc cải thiện những thực hành dinh dưỡng của bà mẹ dành cho trẻ trong 24 tháng đầu đời, chúng ta có thể giảm tỷ lệ thấp còi và qua đó tăng cường sức khỏe và khả năng phát triển kinh tế của người dân Việt Nam. Chiến dịch truyền thông đại chúng này là một bước vô cùng quan trọng nhằm đảm bảo rằng tất cả bà mẹ và nhân viên y tế có thể tiếp cận một cách dễ dàng đến các thông tin và hỗ trợ cần thiết”.
Liên Hợp Quốc cũng kêu gọi có một chính sách quốc gia chặt chẽ hơn trong việc quảng cáo các sản phẩm dinh dưỡng cho trẻ: “Việc quảng bá không phù hợp cho các sản phẩm cạnh trạnh với sữa mẹ thường gây ảnh hưởng tiêu cực đến việc lựa chọn và thực hành cho con bú của các bà mẹ. Do trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ còn rất yếu ớt và nhạy cảm, cùng với các nguy cơ từ việc cho trẻ ăn không đúng cách, các sản phẩm này không nên được quảng cáo theo cách thông thường.” Ông Roger Mathisen, Chuyên gia Dinh Dưỡng UNICEF phát biểu.
Chiến dịch truyền thông tập trung vào những thông điệp chính sau đây:
– Cho trẻ bú ngay trong giờ đầu tiên sau khi sinh
– Cho con bú hoàn toàn trong 6 tháng đầu, không uống nước, không ăn sữa bột, không ăn bổ sung
– Trẻ càng bú nhiều, mẹ càng tiết ra nhiều sữa.
Ngoài ra, quan niệm cần phải “cứu viện” sữa bột vì sợ sinh xong không có sữa cũng làm cho tỉ lệ nuôi con bằng sữa mẹ hoàn toàn ở Việt Nam rất thấp. Cứ một trong 3 bà mẹ đi sinh, lại có một người mua sẵn sữa bột ngay sau khi sinh.
Một số quan niệm khác trong cộng đồng tạo nên khoảng cách mong muốn, nhận thức và thực hành cho con bú mẹ hoàn toàn và tiếp tục bú sữa mẹ lâu dài. Vậy nên, cần có những biện pháp tăng cường hỗ trợ cho con bú trong cơ sở ý tế và môi trường văn hóa xa hội.