Tác hại khi trẻ nhịn đi vệ sinh

website nhatkycuame.net

Có rất nhiều lý do khiến trẻ nhịn đi vệ sinh. Đó có thể là cảm giác khó chịu từ lần đi cầu phân cứng sau một đợt ốm ngắn, hoặc đơn giản chỉ là nỗi sợ phải bước vào một nhà vệ sinh không mấy sạch sẽ.

Đôi khi trẻ mải chơi và tìm cách lờ các cơn mót tiêu, cố nhịn để khỏi phải ngắt quãng trò chơi yêu thích. Một số trẻ chọn cách nhịn tiêu để phản đối việc học ngồi bô.

Hành vi này có thể dẫn tới táo bón, đi ngoài bị đau và thậm chí khiến phân tắc nghẽn hoàn toàn, trẻ thường xuyên bị són một lượng phân nhỏ ra ngoài. Nếu tình trạng tắc phân kéo dài quá lâu, trực tràng và đại trạng sẽ bị giãn căng, biến dạng và không còn khả năng co bóp đẩy phân ra ngoài.

Xem thêm: Trẻ đi ngoài ra máu là mắc bệnh gì?

Nhịn đi tiêu và chiếc vòng luẩn quẩn 

Ống hậu môn được cấu tạo bằng hai loại cơ thắt, lớp cơ trong và lớp cơ ngoài. Bình thường, các cơ này thắt chặt, giúp đóng khít lỗ hậu môn. Cảm giác mót tiêu thường xuất hiện 1-2 lần mỗi ngày khi phân di chuyển vào trực tràng trống rỗng và khiến phần ruột này giãn căng.

Lúc đầu, khi phân mới vào trực tràng, cơ thắt trong của hậu môn tự động giãn ra. Khi phân tiến xa hơn, chạm tới cơ thắt ngoài thì cảm giác mót tiêu xuất hiện. Nếu trẻ chủ động giãn cơ thắt ngoài đúng cách, phân sẽ được đẩy ra ngoài.

Trái lại, nếu trẻ thít chặt cơ thắt ngoài cũng như các cơ mông lớn, phân sẽ bị đẩy ngược vào trong trực tràng. Lúc này cảm giác mót tiêu sẽ qua đi, phân nằm lại trong ruột và trở nên lớn hơn, khô và rắn hơn, có thể gây đau đớn khi đi vệ sinh.

Lần tiếp theo, khi xuất hiện cảm giác mót tiêu, bé sẽ nán không vào nhà vệ sinh để tránh bị đau. Bé càng trì hoãn lâu bao nhiêu thì phân trong lần đi tiếp theo sẽ càng rắn bấy nhiêu.

Và cuối cùng khi bé ngồi vào bồn cầu, sự việc trở nên thật khủng khiếp, bé rơi nước mắt vì đau! Cứ như vậy, càng về sau bé càng ‘quyết tâm’ nhịn tiêu hơn. Chiếc vòng luẩn quẩn ‘Khó chịu – sợ hãi – nhịn tiêu’ ngày càng thắt chặt: khó chịu khiến bé sợ hãi, sợ hãi nên bé nhịn tiêu, nhịn tiêu lại gây khó chịu.

Táo bón kéo dài trong vài ngày hoặc vài tuần có thể dẫn tới hình thành khối phân rắn – rất nhiều phân tích tụ và lèn chặt tại đại tràng, trực tràng.

Xem thêm: 8 Mẹo nhỏ giúp cha mẹ đối phó với trẻ bị táo bón

Trẻ càng nhịn đi tiêu lâu thì phân tích tụ càng nhiều, trực tràng càng giãn căng, cảm giác mót đại tiện giảm dần, táo bón ngày càng trở nên trầm trọng. Về sau, phần phân lỏng từ ruột non sẽ luồn lách quanh phần phân cứng để thoát ra ngoài, khiến bé bị són phân ra quần, gây rất nhiều bất tiện.

 

0 0 đánh giá
Đánh giá bài viết
Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
0
Rất thích suy nghĩ của bạn, hãy bình luận.x
All in one