Một vật lạ kẹt trong tai có thể rất khó chịu, có khi gây hốt hoảng. Đặc biệt trẻ em thường hay cho các đồ vật vào tai, đôi khi khiến chúng kẹt lại bên trong. May mắn là hầu hết các trường hợp này không cần cấp cứu. Dị vật trong tai có thể dễ dàng lấy ra tại nhà hoặc tại phòng khám của bác sĩ và thường không có ảnh hưởng lâu dài nào đến sức khỏe và thính lực. Tuy nhiên, bạn nên làm vài bước sơ cứu khi phát hiện có vật lạ ở tai.
Nội dung bài viết
Xác định vật kẹt trong tai là gì
Không phải lúc nào chúng ta cũng biết được bằng cách nào hoặc tại sao một vật gì đó lại kẹt trong tai, nhưng cách xử lý sẽ khác nhau tùy vào việc vật đó là gì. Nếu có thể, bạn hãy xác định dị vật trước khi quyết định cách xử lý.
– Phần lớn các vật kẹt trong tai được đặt vào một cách cố ý, thông thường ở trẻ nhỏ và trẻ lẫm chẫm tập đi. Các vật này gồm nguyên liệu thực phẩm, kẹp tóc, hạt trang sức, đồ chơi nhỏ, bút chì, tăm bông. Nếu biết trẻ đang làm gì trước khi có triệu chứng xảy ra, bạn có khả năng xác định được vật gì kẹt trong tai trẻ.
– Ráy tai có thể tích tụ trong ống tai và cứng lại. Sự tích tụ ráy tai cũng có thể do lạm dụng hoặc sử dụng tăm bông không đúng cách.Các triệu chứng cho thấy ráy tai tích tụ gồm cảm giác đầy hoặc áp lực trong một tai, đôi khi gây chóng mặt hoặc giảm thính lực.
– Côn trùng có thể là một dị vật đáng sợ và khó chịu nếu lọt vào tai nhưng cũng dễ nhận biết nhất. Tiếng vo ve và sự chuyển động của côn trùng có thể nghe và cảm nhận được trong tai.
Xác định liệu bạn có nên ngay lập tức tìm sự chăm sóc y tế không
Mặc dù rất phiền toái, nhưng phần lớn trường hợp dị vật trong tai không phải là trường hợp cấp cứu. Nếu không thể tự lấy dị vật ra thì thông thường bạn có thể đến bác sĩ vào ngày hôm sau. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, bạn cần phải đến phòng cấp cứu ngay để ngăn ngừa tổn thương nặng hơn.
– Nếu vật kẹt trong tai là vật sắc nhọn, bạn hãy tìm sự chăm sóc y tế ngay lập tức, vì các biến chứng có thể xảy ra rất nhanh.
– Trẻ nhỏ thường cho pin nút áo vào trong tai. Đây là kiểu pin tròn, nhỏ, thường dùng cho đồng hồ đeo tay hoặc các thiết bị gia dụng nhỏ. Nếu pin nút áo ở trong tai, bạn hãy tìm chăm sóc y tế ngay lập tức. Hóa chất trong pin có thể rỉ ra và gây tổn thương nghiêm trọng cho ống tai.
– Tìm cấp cứu ngay nếu vật kẹt trong tai là nguyên liệu thực phẩm hoặc thực vật. Những thứ này sẽ nở ra khi tiếp xúc với độ ẩm, có thể gây tổn thương cho tai.
– Nếu có các triệu chứng như sưng, sốt, tiết dịch, chảy máu, mất thính lực, chóng mặt hoặc cơn đau gia tăng, bạn cần đến bác sĩ ngay lập tức.
Biết những điều không nên làm
Vật lạ ở trong tai thường gây khó chịu đến mức khiến chúng ta vội vã hành động ngay mà không kịp nghĩ đến hậu quả. Nhiều cách chữa “tự làm lấy” bán ở các hiệu thuốc gây tác hại nhiều hơn là có lợi khi có vật lạ kẹt trong tai.
– Không dùng tăm bông để lấy vật lạ ra khỏi tai. Tăm bông thường được chúng ta sử dụng khi đối phó với các vấn đề ở tai, nhưng chúng không có tác dụng trong việc lấy dị vật ra khỏi tai. Thực ra tăm bông có thể đẩy dị vật sâu hơn vào trong ống tai.
– Không cố gắng tự bơm rửa tai. Nhiều hệu thuốc có bán các bộ bơm rửa tai dưới dạng giác hút hoặc bơm tiêm. Tuy các bộ dụng cụ “tự làm lấy” này có ích trong việc chăm sóc tai hàng ngày, bạn vẫn không nên dùng để rửa tai mà không có sự trợ giúp của bác sĩ khi có vật lạ kẹt trong tai.
– Không dùng thuốc nhỏ tai cho đến khi bạn biết thứ gì gây khó chịu trong tai. Hiện tượng có dị vật trong tai cũng có thể gây ra các triệu chứng giống như các bệnh lý khác về tai. Thuốc nhỏ tai có thể làm vấn đề trầm trọng hơn, nhất là nếu vật đó có thể làm thủng màng nhĩ.
Biên soạn: Cate Leya