Nguy hại sức khỏe khi cho trẻ bú quá lâu

website nhatkycuame.net

Việc cho trẻ bú quá lâu sẽ làm ảnh hưởng đến sức khỏe và sự phát triển của trẻ. Bú quá lâu khiến trẻ hít vào bụng lượng không khí lớn, dễ gây ra tình trạng đầy bụng và nôn trớ.

Tác hại của việc cho trẻ bú quá lâu

Theo các chuyên gia, thời gian bú mẹ phù hợp nhất là khoảng 10 phút mỗi bầu vú. Trong 10 phút này, hai phút đầu tiên bé có thể bú được khoảng 50% tổng lượng sữa có trong bầu vú. Hai phút tiếp theo bé có thể bú được 80-90% tổng lượng sữa, còn sáu phút cuối hầu như bé không bú được bao nhiêu.

Việc cho con bú rất tốt đối với trẻ, nhưng không vì thế mà mẹ cố gắng cho con bú càng lâu càng tốt. Bởi bú mẹ quá lâu cũng có thể gây hại cho trẻ.Tuy nhiên sáu phút này cũng vô cùng cần thiết bởi việc bú mút sẽ kích thích tuyến sữa để làm tăng thêm lượng sữa tiết ra cho lần bú sau. Hơn nữa việc này có thể tăng thêm tình cảm mẹ con.

– Trong sữa mẹ có hàm lượng protein cao và lượng chất béo thấp. Những theo thời gian bú, lượng protein giảm dần, trong khi hàm lượng chất béo lại tăng cao. Nếu bú quá lâu sẽ khiến con hấp thụ lượng chất béo lớn, có thể gây đau bụng và đi ngoài.

– Việc bú quá lâu cũng khiến trẻ hít vào bụng lượng không khí lớn, dễ gây ra tình trạng đầy bụng và nôn trớ.

– Ngoài ra, khi cho bé bú quá lâu, phần đầu ti của mẹ bị ngậm trong thời gian dài rất dễ bị viêm nhiễm, ảnh hưởng đến việc bú mẹ lần sau.

Do đó, tốt nhất mẹ nên cho con bú nhiều lần trong ngày, mỗi lần chỉ nên bú khoảng 10 phút mỗi bầu ngực, cả 2 bầu ngực là 20 phút. Như vậy sẽ đảm bảo con hấp thụ được nhiều dưỡng chất nhất từ sữa mẹ và không gây hại cho cơ thể.

Trong trường hợp trẻ vừa bú vừa ngủ, hoặc chỉ ngậm ti mẹ nhưng không bú thì mẹ có thể áp dụng cách sau: dùng ngón tay xoa xoa dái tai của bé, nhẹ nhàng kéo ngón tay hoặc ngón chân bé hoặc thử rút đầu ti ra khỏi miệng,… để kích thích con tăng tốc độ bú sữa.

Cách cho trẻ sơ sinh bú

Không phải mẹ nào vừa đẻ con ra cũng biết cách cho bé bú ngay. Không ít mẹ vụng về còn gặp khó khăn khiến trẻ không thể ngậm được ti mẹ hoặc làm tịt mũi trẻ. Đây là vấn đề hết sức bình thường, tuy nhiên lại dễ dàng khắc phục nếu mẹ biết cách cho con bú.

Theo bác sĩ Bích Hà (Bệnh viện Đa khoa Hồng Ngọc), trẻ ngậm bắt vú đúng cách là:

– Quầng vú phía trên còn nhiều hơn phía dưới

– Cằm trẻ chạm vào vú mẹ

– Môi dưới của trẻ hướng ra ngoài

– Miệng trẻ mở rộng

Ngoài ra, mẹ cần chú ý đến tư thế nằm của bé: Đầu và thân trẻ đảm bảo nằm trên cùng một đường thẳng, bụng trẻ áp sát vào bụng mẹ, mặt trẻ quay vào vú mẹ, mũi trẻ đối diện với núm vú.

Để hỗ trợ bé bú, mẹ nên đặt ngón tay tựa vào thành ngực phía dưới vú, ngón tay trỏ nâng vú và ngón tay cái để ở phía trên. Tuy nhiên, các ngón tay của bà mẹ không nên để quá gần núm ti khiến trẻ khó ngậm đầu ti.

Các vấn đề thường gặp khi cho con bú mẹ

Trong thời gian cho con bú, hầu hết các mẹ sẽ gặp phải một trong những vấn đề dưới đây. Để không ảnh hưởng đến nguồn sữa cho con bú cũng như giúp mẹ bớt đau đớn, chị em cần tham khảo những lời khuyên dưới đây của bác sĩ Bích Hà.

Không đủ sữa cho con

Đây là vấn đề phổ biến nhất đối với mẹ mới sinh, đặc biệt những người sinh mổ. Nguyên nhân của hiện tượng này có thể do sức khỏe người mẹ không tốt, mệt mỏi, xúc động, stress,…

Trong trường hợp này, các mẹ cần lưu ý cách xử trí là:

– Cho bú nhiều hơn, bất kì khi nào trẻ muốn, ngày hay đêm, đánh thức trẻ dậy nếu trẻ ngủ nhiều.

– Mẹ cần vắt cạn sữa sau khi cho bú để kích thích tạo sữa mới. Nghỉ ngơi, ăn uống bồi dưỡng, uống nhiều nước và nước hoa quả hay sữa. Tạo sự tự tin cho mẹ là mình có thể đủ sữa cho con.

Căng sữa

Khoảng 2-3 ngày sau khi sinh thường xảy ra hiện tượng căng sữa do sữa bắt đầu tiết nhiều, các mẹ sẽ cảm thấy căng và nặng ở vú. Khi sờ nắn ngực thấy căng cứng và có thể nổi cục. Tuy nhiên sữa vẫn chảy ra tốt. Đây là hiện tượng bình thường.

Xử trí: Bà mẹ cần cho bé bú thường xuyên hơn. Có thể nặn bỏ bớt sữa nếu bé bú không hết. Xoa day cho hết nổi cục. Trong vòng 1-2 ngày, sự tiết sữa sẽ tự điều chỉnh theo nhu cầu của trẻ và vú sẽ hết căng. Nếu không đỡ thì chị em nên đi khám bác sĩ.

Đau núm vú, nứt đầu vú (Nứt cổ gà)

Nguyên nhân của hiện tượng này thường do không cho trẻ bú sớm, không cho bú đúng cách, vệ sinh “núi đôi” không tốt. Dấu hiệu để nhận biết là đầu vú có những vết nứt, vết rạn nhỏ trên bề mặt, vết loét ở đầu vú hay chân núm vú. Toàn bộ núm vú bị đỏ rực, chảy máu và đau rát mỗi khi cho bú.

Xử trí: Chị em cần giữ khô, để hở, bôi mỡ. Tạm ngưng cho bú bên vú bệnh (6-12 giờ), để hở vú ra ngoài, vắt sữa bằng tay, tiếp tục cho bú bên vú lành. Đảm bảo trẻ ngậm đầu vú đúng cách. Ngoài ra, sau mỗi lần trẻ bú, mẹ nên vắt một ít sữa bôi xung quanh núm và đầu vú sẽ rất nhanh chóng liền vết nứt.

Ngực cương tức

Dấu hiệu nhận biết là “núi đôi” cương to, phù nề kèm theo đau vú nhiều, có thể sốt. Nặn sữa thấy sữa chảy ra ít. Nguyên nhân là do mẹ quá nhiều sữa, không cho con bú sớm, do trẻ ngậm, bắt vú kém, không đúng cách, hạn chế thời gian các bữa bú.

Xử trí: bắt đầu cho bú mẹ ngay sau khi sinh, dùng khăn ấm đắp lên bầu vú, xoa bóp vú nhẹ nhàng, kích thích da núm vú (vật lí trị liệu), vắt sữa bằng tay hay bằng ống hút sữa nhằm thoát sữa ra. Ngoài ra, mẹ cần cố gắng cho trẻ bú thường xuyên, không hạn chế, cho trẻ bú đúng cách.

Núm vú bẹt, tụt vào trong

Có không ít mẹ gặp khó khăn trong việc cho con bú khi bị hai đầu núm vú bẹt, tụt vào trong.

Xử trí: Mẹ nên dùng tay kéo nhẹ, kích thích núm vú, dùng bơm hút sữa bằng tay để kéo núm vú ra. Mẹ nên thực hiện kiên trì và thường xuyên. Có thể dùng dụng cụ trợ ti (tạo núm vú).

Tập cho bé bú đúng cách: mút sữa từ vú mẹ chứ không phải từ núm vú, trẻ cần ngậm vú đầy miệng, khi trẻ bú sẽ kéo vú và núm vú ra ngoài. Khuyến khích bé tiếp xúc vú mẹ càng nhiều càng tốt.

Nếu trẻ không thể bú mẹ hiệu quả trong 1-2 tuần đầu: vắt sữa và cho trẻ ăn bằng cốc hoặc vắt một ít sữa trực tiếp vào miệng trẻ nhằm kích thích trẻ cố gắng bú hơn.

Biên soạn: Cate Leya

0 0 đánh giá
Đánh giá bài viết
Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
0
Rất thích suy nghĩ của bạn, hãy bình luận.x
All in one