Nôn trớ là triệu chứng của đường tiêu hóa hay gặp, đặc biệt ở trẻ em. Nôn là tình trạng các chất trong dạ dày bị đẩy ra ngoài qua miệng, do sự co bóp của dạ dày phối hợp với co thắt của các cơ thành bụng. Nôn trớ là sự di chuyển của chất trào ngược từ dạ dày qua hầu họng lên miệng, hoặc có thể qua miệng ra ngoài số lượng ít, do sự co bóp đơn thuần của dạ dầy. Hãy cùng nhakycuame.net tìm hiểu cách chăm sóc trẻ nôn trớ hiệu quả sau đây!
Nội dung bài viết
Các nguyên nhân gây nôn trớ
Do sai lầm về ăn uống và chăm sóc
– Cho trẻ ăn quá nhiều, bú quá no, ép ăn quá ngưỡng
– Cho trẻ bú mẹ không đúng tư thế, hoặc bú bình chưa đúng cách, làm trẻ nuốt phải nhiều khí vào dạ dầy gây nôn trớ
– Trẻ vừa ăn no đã đặt trẻ nằm ngay
– Quấn tã chăn quá chặt, băng rốn chặt
Nôn trong bệnh nội khoa
– Các bệnh về đường tiêu hóa: tiêu chẩy, chậm nhu động ruột
– Viêm đường hô hấp trên
– Bệnh nhiễm trùng thần kinh: Viêm màng não mủ
– Tăng áp lực nội sọ: Xuất huyết não do giảm tỷ lệ Prothrongbin
– Hội chứng sinh dục thượng thận
– Do rối loạn thần kinh thực vật: hay gặp là co thắt môn vị
Nôn trong bệnh ngoại khoa
– Nôn do dị tật đường tiêu hóa: hẹp phì đại môn vị, hẹp tá tràng bẩm sinh, thoát vị hoành, teo thực quản: thường nôn ngay trong những ngày đầu mới sinh
– Nôn do tắc ruột, xoắn ruột: thường kèm theo nhiễm trùng toàn thân, bụng chướng, bí trung đại tiện, đi ngoài phân có máu, dịch dạ dầy nâu đen
Cách xử trí khi trẻ nôn trớ
– Ngay khi trẻ nôn trớ phải nghiêng ngay đầu trẻ sang một bên để trẻ không bị sặc chất nôn, rồi nhanh chóng làm sạch chất nôn trong miệng, họng và mũi trẻ (miệng trước, mũi sau), bằng cách hút hoặc quấn khăn gạc vào ngón tay thấm hết chất nôn trong mồm và họng trẻ
– Khum tay vỗ nhẹ hai bên lưng nhằm trấn an trẻ, đồng thời giúp trẻ ho bật nốt chất nôn còn lại trong họng ra ngoài
– Lau cổ và người trẻ bằng nước ấm, thay những đồ vải có dính chất nôn cho trẻ.
– Khi trẻ đã hết cơn nôn, cho trẻ uống nước ấm hoặc ORS ấm từng thìa nhỏ. Cho trẻ bú mẹ hoặc bú bình từ từ
– Giúp trẻ ngủ, không dùng thuốc chống nôn khi chưa có ý kiến của bác sỹ
– Theo dõi dấu hiệu nôn trớ tiếp theo
Xử trí trường hợp trẻ bị sặc chất nôn trớ – Dị vật đường thở
– Sau khi tống chất nôn ra được nếu trẻ còn mệt phải đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất
– Khi trẻ bị sặc chất nôn trớ – dị vật đường thở: nếu trẻ hít phải chất nôn trớ, không được cố dùng tay móc chất nôn, mà phải làm ngay nghiệm pháp Heimlich để tống dị vật ra.
Phương pháp Heimlich vỗ lưng
– Đỡ trẻ nằm sấp bằng một tay của người cấp cứu
– Bàn tay nâng đầu, cổ trẻ thấp hơn thân trẻ
– Dùng bàn tay kia vỗ 5 cái vào lưng trẻ ở khoảng giữa 2 bả vai trẻ
Phương pháp Heimlich ấn ngực
– Đỡ trẻ nằm ngửa trên 1 tay của người cấp cứu
– Bàn tay đỡ đầu và cổ trẻ thấp hơn thân trẻ
– Hút sạch sữa trào ra ở vùng mũi họng (nếu có)
– Dùng 2 ngón tay của bàn tay kia ấn mạnh ở vùng giữa dưới ức 5 lần
– Đánh giá lại trẻ, có thể kết hợp vỗ lưng – ấn ngực
Đánh giá trẻ nôn trớ
Trẻ sơ sinh rất dễ nôn trớ, do dạ dầy trẻ còn nằm ngang, cơ tâm vị lại đóng chưa chặt nên khi thấy trẻ trớ nhiều cần phải đánh giá sự nôn trớ.
– Đánh giá toàn trạng xem cân nặng và chiều cao của trẻ có tương ứng với độ tuổi của trẻ không?
– Quan sát triệu chứng nôn: nôn thốc tháo, nôn vọt, nôn khan hay nôn ra sữa (sữa mới trắng hay sữa vón), mầu sắc chất nôn (vàng, xanh hay gợn nâu? )
– Hoàn cảnh xuất hiện nôn: Nôn vào thời điểm nào trong ngày, có liên quan đến bữa ăn không.
– Quan sát mầu sắc da, niêm mạc, nhịp thở, nhiệt độ, dấu hiệu mất nước và tinh thần của trẻ khi nôn và ngoài lúc nôn
– Các biểu hiện nhiễm trùng của hệ hô hấp: chẩy mũi, ngạt mũi, ho, đờm?
– Các biểu hiện của đường tiêu hóa: chậm nhu động ruột, táo bón, tiêu chẩy, đầy hơi?
– Các biểu hiện thần kinh: trẻ quấy khóc, thóp phồng, hốt hoảng, co giật.
Hướng dẫn chăm sóc trẻ nôn trớ
– Nếu nôn trớ do sai lầm về ăn uống và chăm sóc chưa đúng cách (nôn trớ cơ năng): điều chỉnh lại chế độ ăn uống và chế độ chăm sóc, theo dõi tiếp tại nhà
– Nếu trẻ nôn trớ bệnh lý: cần giải quyết nguyên nhân phải đưa đến cơ sở y tế.
Chăm sóc trẻ nôn trớ do sai lầm về ăn uống và chăm sóc (nôn trớ cơ năng)
– Hướng dẫn bà mẹ tư thế bú đúng, cách ngậm bắt vú đúng
– Cho trẻ bú từ từ, đủ cữ, không ép trẻ ăn quá no
– Nếu trẻ ăn hỗn hợp hướng dẫn bà mẹ cách cho trẻ bú bình, cách pha sữa
– Khi trẻ đã ăn no, hướng dẫn cách bế, cách vỗ ợ hơi, cách đặt trẻ. Không bế xốc trẻ, đùa với trẻ khi trẻ vừa ăn no.
– Hướng dẫn bà mẹ cách massage quanh rốn nhẹ nhàng làm giảm co bóp dạ dầy hạn chế nôn trớ. Và cách massage bụng mạnh và sâu theo đường đi của khung đại tràng giúp tăng nhu động ruột, tăng tiết dịch, giúp trẻ bài tiết phân đều đặn hàng ngày, làm giảm chướng bụng và nôn trớ
– Sau khi đã điều chỉnh mà nôn trớ không cải thiện và còn kèm theo các dấu hiệu bất thường: sốt, quấy khóc liên tục, lơ mơ, co giật, nôn liên tục, chất nôn bất thường có máu hay dịch mật (xanh, vàng)… cần đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế
Kết luận
Trên đây là những kiến thức cần thiết để chăm sóc, theo dõi và xử trí trẻ sơ sinh nôn trớ và cách phòng tránh trẻ bị nôn trớ do sai lầm trong chế độ cho ăn và chăm sóc trẻ. Các bà mẹ thực hành tốt được những điểm này sẽ giúp cho con không bị gián đoạn trong quá trình phát triển cũng như tránh được những hậu quả đáng tiếc do sặc phải chất nôn trớ.
Biên soạn: Cate Leya