Người Do Thái dạy con cách tiêu tiền như thế nào?

Người Do Thái dạy con cách tiêu tiền như thế nào

Người Do Thái được coi là thông minh nhất thế giới. Cách tiêu tiền và cách dạy con tiêu tiền, quản lý về tiền bạc của họ khác gì so với bình thường. Vậy người Do Thái dạy con cách tiêu tiền như thế nào? Hãy cùng Nhatkycuame.net tìm hiểu ngay sau đây nhé!

Người Do Thái có sức mạnh lớn nhất trong lĩnh vực kinh tế – thương mại, bao gồm rất nhiều ông chủ của các công ty tài chính khổng lồ: Alan Greenspan – nguyên Chủ tịch Hội đồng Thống đốc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ, George Soros “cá sấu cổ phiếu”, Warren Buffett “vị thần cổ phiếu” giàu thứ hai thế giới…

Đó không phải do tư chất quản lý tài sản của người Do Thái xuất sắc hơn các dân tộc khác, mà do họ nắm giữ kỹ năng quản lý tài sản ngay từ thuở nhỏ.

Dưới đây là các giai đoạn mà người Do Thái dạy con về cách quản lý tài sản:

Giai đoạn thứ nhất: Nhận biết tiền

Khi con còn đang bi bô tập nói, các bậc ba mẹ Do Thái đã dạy chúng phân biệt tiền xu và tiền giấy, để cho chúng hiểu “tiền bạc có thể mua được bất cứ thứ gì mình muốn” và quan trọng hơn là “tiền ở đâu mà có”.

Sau khi con có khái niệm và sự hứng thú ban đầu với tiền bạc, ba mẹ bắt đầu đi sâu vào quan niệm quản lý tài sản “dùng tiền đổi vật”.

Giai đoạn thứ hai: Kỹ năng cầm tiền

Một số người không cho con cái mình quản lý tiền tiêu vặt. Trong khi đó, ba mẹ Do Thái lại cho rằng: Tước bỏ cơ hội cầm tiền của con sẽ khiến chúng dựa dẫm vào gia đình và chỉ biết ngửa tay xin tiền.

Khi trẻ được khoảng 10 tuổi, ba mẹ Do Thái mở cho con một tài khoản ngân hàng riêng và bỏ vào đó một số tiền nhất định, mục đích là để con biết quản lý tài sản một cách thông minh và khoa học.

Ngay lần đầu tiên, khi con cái giữ nhiều tiền, ba mẹ sẽ hướng dẫn con cách chi tiêu thỏa đáng. Nếu họ phát hiện ra con mình mua sắm linh tinh, họ sẽ trao đổi với trẻ rằng: Con cần giữ lại một số tiền nhất định trong tài khoản.

Rồi sau đó cùng con lập kế hoạch chi tiêu và tiết kiệm. Cách làm này có ưu điểm là giúp trẻ biết “liệu cơm gắp mắm” ngay từ nhỏ và chịu trách nhiệm về hành vi tiêu xài của mình.

Giai đoạn thứ ba: Kỹ năng kiếm tiền

Mọi người thường nói về tăng thu giảm chi, trong đó tiết kiệm luôn được đề cao. Tuy nhiên, làm sao tăng thu nhập cũng quan trọng không kém.

Nói một cách chính xác thì đó là bồi dưỡng ý thức kiếm tiền của con để cho chúng hiểu được những quy tắc kiếm tiền, quy tắc quay vòng vốn, hiểu được những bài học đơn giản về công sức bỏ ra và kết quả nhận được thông qua những ví dụ thực tế trong lao động. Những bài học vỡ lòng như vậy sẽ mang đến của cải vật chất và hình thành thói quen tư duy tài chính tích cực cho trẻ.

Giai đoạn thứ tư: Kỹ năng quản lý tài sản

Ngoài việc dạy con chi tiêu hợp lý, kiếm tiền hiệu quả ra, ba mẹ còn nói cho con biết những tri thức quản lý tài sản cơ bản, hướng dẫn chúng một vài cuộc đầu tư nhỏ.

Họ chỉ cần đưa con em mình tới ngân hàng làm một số thủ tục cần thiết để mở tài khoản cá nhân, giải thích cho chúng hiểu vì sao phải gửi tiền vào ngân hàng, tại sao lãi suất tiền gửi khác nhau, điền thông tin vào phiếu gửi tiền và phiếu nhận tiền như thế nào, chuyển tiền ra sao.

Giai đoạn thứ năm: Ý nghĩa đằng sau chuyện quản lý tài sản

Người Do Thái bồi dưỡng kỹ năng quản lý tài sản cho con không nhằm mục đích biến trẻ thành cái máy kiếm tiền hay thần giữ của. Ngược lại, họ coi “Giáo dục quản lý tài sản” cũng là một cách “Giáo dục đạo đức” hay “Giáo dục nhân cách”.

Mục đích của việc làm cho trẻ hiểu được giá trị sức lao động, biết đầu tư và quản lý tài sản, không chỉ đơn thuần là trang bị tri thức và rèn luyện kỹ năng sinh tồn. Ý nghĩa sâu xa chính là giúp con trẻ có được những hiểu biết cần thiết và nhân sinh quan đúng đắn không chỉ đối với tiền bạc mà đối với cả cuộc đời.

Xem thêm: Người Do Thái đã dạy con như thế nào?

Biên soạn: Cate Leya

0 0 đánh giá
Đánh giá bài viết
Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
0
Rất thích suy nghĩ của bạn, hãy bình luận.x