Kiến thức cần biết khi cho bé đi học võ

bé đi học võ

Cho con học võ hiện là sự lựa chọn của nhiều bố mẹ khi bé đang trong kỳ nghỉ hè. Theo kinh nghiệm đào tạo, huấn luyện võ thuật của Võ sư, HLV trong nhiều năm qua, độ tuổi học võ tốt nhất là khi trẻ 6 tuổi. Đây là giai đoạn bé bước vào lớp 1, cũng là giai đoạn trẻ bắt đầu mở rộng các mối quan hệ bạn bè thông qua trường lớp.

Ích lợi của việc học võ

Không ít bà mẹ cho con học võ xuất phát từ nguyên nhân muốn con rèn luyện và nâng cao khả năng bảo vệ bản thân, tăng cường thể lực, phòng ngừa bệnh tật. Thực ra ích lợi đến từ việc học võ còn nhiều hơn thế.

Võ thuật giúp đẩy nhanh quá trình phát triển; rèn luyện các tư thế; nâng cao tố chất nhanh nhẹn, dẻo dai, phản xạ nhanh, sức bền của cơ thể. Bên cạnh đó, võ thuật còn phát triển trí tưởng tượng, sức tập trung, khả năng ghi nhớ hình ảnh và sự vận động, khả năng mô phỏng, khả năng cảm nhận về nhịp độ và điều khiển các cơ trên cơ thể. Võ thuật cũng bồi dưỡng tinh thần kính thầy mến bạn, đoàn kết tương trợ lẫn nhau, cần cù vượt gian khó, tuân thủ luật lệ, tự tin vào bản thân, dũng cảm kiên cường.

Nên học võ nào?

Trẻ trai thích các môn võ đối kháng Judo, Karate, Teakwondo, Nhất Nam… vì sự linh hoạt, kỹ thuật và sức mạnh. Trẻ gái thường học nhu đạo như Thái cực, Aikido. Theo đó, Karate, Teakwondo làm trẻ quen đá nhanh, mạnh nên dáng đi sẽ cứng rắn, mạnh mẽ. Các môn nhu quyền, nhất là Aikido sẽ không làm tay, chân bị gân guốc, không ảnh hưởng tới dáng đi, còn giúp người tập phát huy trí thông minh, sự nhanh nhẹn…

Theo võ sư Nguyễn Thanh Thạch, Chủ nhiệm CLB Akido Thủ Đức và Akido Phương Đông (Trung tâm TDTT quận Thủ Đức, TP HCM), môn võ nào cũng hướng con người tốt hơn, không phải môn võ này trầm tính hơn môn võ kia. Tất cả còn tuỳ người dạy và sự tiếp thu của võ sinh. Ai tập võ cũng điều chỉnh được khí huyết lưu thông, có hơi thở sâu và đều hơn người bình thường. Học võ đúng bài bản, phương pháp thì rất tốt.

Bản tính nhân hậu mà gặp thầy tốt thì sẽ rất tốt. Nhưng đôi khi võ sư truyền dạy cũng còn bạo lực hoặc tham – sân – si, không cẩn thận tính hiếu thắng sẽ tăng lên (mà hiếu thắng, kết hợp chút võ thì rất tai hại). Tập võ ngoài rèn thể lực, cần chú trọng bồi dưỡng nhân cách của trẻ, dạy trẻ học “lễ” và đạo đức để khám phá và chiến thắng bản thân.

Riêng với môn võ Aikido là trường phái ít dùng sức, khi bị tấn công chỉ cần dùng lực nhẹ đẩy trả lực mạnh trở về đối thủ là thắng. Tuổi học trò hiếu động hay bị ngã, Aikido giúp trẻ đứng dậy tốt và không bị chấn thương. Nhưng Aikido đòi hỏi trẻ phải tập luyện tốt, quen dần với những cái đau ở cổ tay, các huyệt ở bàn tay và có kỹ năng hoá giải khi bị tấn công, kỹ thuật tự vệ khi bị túm tay…

Nếu bị cận thị, hoặc tập võ để giảm cân phải báo cho võ sư dạy để có chương trình huấn luyện phù hợp. Chẳng hạn như trẻ bị cận thị nên tập Teakwondo vì Teakwondo thường dùng chân đá, ít phải áp sát. Nếu trẻ háo thắng, dễ bị kích động… cần tập yoga, thiền, khí công sẽ tốt cho cả tinh thần lẫn sức khỏe.

Môn võ nào cũng cần phải dùng sức và hệ xương khớp của trẻ chịu ảnh hưởng lớn của vận động thể dục thể thao. Trẻ nhỏ quá phụ huynh nên cho con tập thể dục – thể thao tốt hơn mà vẫn kích thích phát triển chiều cao. Các em nữ thì học mềm dẻo như thể dục dụng cụ, xà đơn kép, múa hoặc những môn tăng cường sự khéo tay, dai sức như chạy, bơi, xe đạp, bóng ném hơn là các môn va chạm mạnh. Trẻ nhỏ càng không nên chơi tạ để tránh bị lùn.

Bí quyết giúp bé thích học võ

Bố mẹ và thầy giáo cùng trao đổi và phối hợp giúp bé hiểu về võ thuật từ nhiều góc độ

Bố mẹ và thầy giáo nên thường xuyên trao đổi, bàn bạc để tìm ra cách gây hứng thú với việc học võ cho bé, giúp bé hiểu cái hay của võ thuật. Thầy giáo nên căn cứ vào thể chất và năng lực của bé để điều phối các động tác, tránh việc dạy các động tác quá khó hoặc quá dễ để bé chán nản, không hấp dẫn. Đồng thời cũng nên nghĩ đến việc “gán” các động tác cho các nhân vật hoạt hình, truyện tranh… mà bé thích. Chỉ cần nghĩ mình đang làm giống “thần tượng” là bé sẽ thích thú và học theo rất nhanh.

Trong võ thuật, đằng sau mỗi thế võ thường ẩn chứa một câu truyện liên quan đến thế giới tự nhiên, đến văn hóa, lịch sử. Vì vậy, khi dạy đến động tác nào,ngoài việc giúp bé hiểu cách thức tiến hành và nội dung chính của động tác, thầy giáo có thể dùng lời nói và hình tượng để giải thích một cách đơn giản về sự liên quan giữa câu truyện kể với nguồn gốc xuất phát của mỗi thế võ.
Bố mẹ bé cũng có thể khiến bé hứng thú hơn với võ thuật bằng cách tìm các tranh ảnh, truyện tranh nói về các môn phái võ hoặc các câu truyện trừng gian diệt ác của các anh hùng võ thuật.

Bố mẹ cùng chơi với bé một số trò chơi rèn luyện độ mềm dẻo của cơ thể

Rèn luyện độ mềm dẻo là một trong những lợi ích mà võ thuật đem đến cho cơ thể. Vì thế bố mẹ nên cùng bé chơi một số trò chơi như: dùng tay mò đất, dùng ngực “đậy” lên đầu gối… Mỗi ngày cùng chơi như vậy sẽ làm cơ thể bé mềm dẻo hơn, đồng thời bé sẽ dần dần hiểu ra võ thuật nên tập hàng ngày, dù ít nhưng lâu dần sẽ có tiến bộ.

Khơi dậy hứng thú từ những bộ phim hoạt hình

Khi bước vào giai đoạn 4 – 5 tuổi, đặc biệt là các bé trai thường mê mẩn những bộ phim hoạt hình, phim truyện hoặc các tiết mục truyền hình có các cảnh hành động, đấu võ. Rất nhiều bé còn tự mình đóng vai các nhân vật siêu nhân, siêu anh hùng… như trong phim. Thầy giáo và bố mẹ nên “tranh thủ” sự yêu thích này của bé để “cài cắm” các hành động của nhân vật anh hùng vào trong các thế võ hoặc trong các trò chơi rèn luyện cơ thể tại nhà. Chắc chắn bé sẽ rất hào hứng và luyện tập hăng say.

Cate Leya

0 0 đánh giá
Đánh giá bài viết
Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
0
Rất thích suy nghĩ của bạn, hãy bình luận.x